1.
Ngót 6 năm trôi qua tính từ cái ngày nhà báo Anh - John Duerden, chọn
Phan Thanh Hậu
vào danh sách 40 cầu thủ trẻ triển vọng của bóng đá thế giới trên tờ The Guardian danh tiếng, tiền vệ này vẫn chỉ đóng vai trò dự bị ở HAGL. Ở CLB phố Núi, suốt gần 6 năm qua, Thanh Hậu có không ít cơ hội để chứng tỏ mình khi lần lượt Tuấn Anh chấn thương dài hạn, rồi Xuân Trường xuất ngoại suốt mất mùa bóng, nhưng rồi tất cả đều trôi qua trong tiếc nuối.
John Duerden đã sai khi chọn Phan Thanh Hậu vào cái danh sách đầy danh vọng của mình ngày ấy? Cũng không hẳn. Bởi để lọt được vào danh sách ấy, tiền vệ này chắc hẳn phải tài năng, và có thứ khiến nhà báo Anh chọn mình.
Ngày ấy, John Duerden đã mô tả về Phan Thanh Hậu: " Phan Thanh Hậu là trái tim của hàng tiền vệ, luôn xuất hiện đúng lúc và thực hiện những đường chuyền đa dạng, bật tường một chạm tinh tế để tạo ra khoảng trống, xé toang hàng thủ đối phương. Cậu ấy là tài năng hiếm có của bóng đá châu Á ".
Những lời mô tả ấy khá chính xác với những gì tiền vệ người Quảng Ngãi này trình diễn 6 năm về trước. Và những lời nhận xét ấy cũng làm người ta liên tưởng không ít đến Xuân Trường.
Thời điểm ấy, John Duerden không sai khi nhìn ra tiềm năng cực lớn của Phan Thanh Hậu thông qua lối chơi thông minh, kỹ năng linh hoạt và "cái chân trái có mắt" của cầu thủ này. Chỉ có điều ngày ấy, Thanh Hậu còn là một cầu thủ trẻ, và để trở thành một tài năng thực sự, bước ra khỏi cái mác "cầu thủ trẻ triển vọng", cần nhiều thứ hơn, chứ không phải chỉ có thế.
Con đường mà Phan Thanh Hậu đang đi, cách mà Phan Thanh Hậu "lớn" trên sân cỏ có nhiều phần tương đồng với Xuân Trường. HLV Guilaumme Graechen đã từng nhận xét: " Thanh Hậu hội tụ một cách hài hòa những ưu điểm của Tuấn Anh và Xuân Trường. Nếu tăng được thêm 10kg, Thanh Hậu chắc chắn sẽ là đối thủ nặng ký cho bất kỳ tiền vệ nào ".
Nhưng cũng như Xuân Trường từng thất bại ở cả Hàn Quốc lẫn Thái Lan vì điểm yếu tốc độ, thể hình và khả năng tranh chấp, Thanh Hậu không thể nào "tăng thêm được 10kg" - cách nói khác của việc cải thiện thể lực, thể hình và khả năng tranh chấp. Năm 2020, Thanh Hậu cũng chỉ cao có 1m74, và nặng 60kg. Thể hình "suy dinh dưỡng" ấy mới là thứ "giết chết" tài năng của cầu thủ này, chứ không phải nhận xét của John biên dịch Duerden ngày nào...
2. Từ Hà Lan trở về Việt Nam tham dự SEA Games 30, Văn Hậu khiến giới chuyên môn bóng đá nước nhà phải kinh ngạc với một thân hình lực lưỡng, đầy cơ bắp, chỉ sau có hai tháng tập tành ở Heerenveen. Đi kèm với thể hình cực kỳ lý tưởng ấy là khả năng tranh chấp, va chạm khiến mọi đối thủ đều phải kiêng dè.
Cũng theo đó, tốc độ và sức bật của Văn Hậu cũng tăng lên đáng kể. Sự tiến bộ ấy được thể hiện rõ ràng nhất ở trận chung kết với U22 Indonesia, với hai bàn thắng - mở đầu cho chiến thắng 3-0 của thầy trò HLV Park Hang-seo, và khép lại chiến thắng đưa U22 Việt Nam lên ngôi vô địch.
Sự thay đổi mang tính bước ngoặt ấy của Văn Hậu đến từ cách đầu tư cho cầu thủ hết sức chuyên nghiệp của đội bóng Hà Lan mà anh đầu quân. Được đầu tư chế độ dinh dưỡng và tập luyện riêng, Văn Hậu nhanh chóng có được sự phát triển cần thiết để kịp bắt nhịp với bóng đá châu Âu cần rất nhiều sức mạnh và tốc độ. Đấy cũng chính là điều không chỉ chỉ Phan Thanh Hậu hay Xuân Trường thiếu, mà hầu hết các cầu thủ Việt Nam đều không được đầu tư.
Phan Thanh Hậu "giẫm chân tại chỗ" suốt gần 6 năm trời đằng đẵng, hay Xuân Trường, thất bại ở nước ngoài, thậm chí là ở Thái Lan, mấu chốt rốt cuộc nằm ở đúng điều mà Văn Hậu đang được đầu tư. Xoay trở chậm, thua thiệt trong những tình huống tranh chấp trực tiếp khiến họ không thể thể hiện được khả năng của một một khi đối phương đẩy cao tốc độ, chơi áp sát nhanh và chịu va chạm.
" Cầu thủ Việt Nam gầy và nhanh, nhưng không chịu tập luyện. Họ không bao giờ bước chân vào phòng gym. Sức mạnh không có, chỉ bằng con số 0. Đối đầu với một cầu thủ Nhật Bản, họ dễ dàng bị vượt qua. Cầu thủ có kỹ thuật nhưng không có sự hi sinh và nỗ lực. Mọi thứ chỉ lớt phớt, không có sự bứt phá nào cả ", đó là những lời nhận xét "khá khó chịu khi phải nghe" của cựu giác đốc kỹ thuật CLB Hà Nội. Nhưng nó đúng, không chỉ với riêng CLB này, mà hầu hết tất cả các cầu thủ Việt Nam hiện tại.
Ở cả HAGL lẫn U20 Việt Nam, Phan Thanh Hậu luôn là người dẫn đầu trong các cuộc kiểm tra sức bền. Ngay cả Tuấn Anh cũng phải thừa nhận: " Từ bé đến giờ, Thanh Hậu luôn chạy tốt nhất ở học viện ".
Chỉ tiếc rằng trong lúc Phan Thanh Hậu vẫn chạy bền, chạy dai nhất HAGL, thì Tuấn Anh đã kịp có những thay đổi cần thiết để thích ứng với môi trường bóng đá "người lớn", thay vì cứ "mãi mãi U19" như ngày nào. Trở lại sau chấn thương là một Tuấn Anh nhanh hơn, sẵn sàng va chạm với thể hình được cải thiện, cùng thể lực đáng nể. Đấy cũng chính là lý do tiền vệ có lối chơi cực kỳ hào hoa này luôn có suất đá chính trong ĐTQG Việt Nam trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, cũng như Phan Thanh Hậu vẫn đang "mất hút" ở CLB HAGL, Xuân Trường cũng dần đánh mất đi vị trí của mình trong đội hình của HLV Park Hang-seo, bởi không có sự cải thiện nào về mặt thể lực.
Sáu lần được gọi lên đội tuyển, từ U20 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn cho đến U23 Việt Nam của HLV Park Hang-seo, rốt cuộc lần nào Phan Thanh Hậu cũng "bị trả về" vào phút cuối. Cả hai HLV này, cũng như John Duerden đều nhìn ra được sự đặc biệt trong tài năng của tiền vệ này, song thứ Thanh Hậu còn thiếu lại quá lớn, và khó lòng bù đắp được.
Ngày được vinh danh trong "top 40 cầu thủ trẻ triển vọng của bóng đá thế giới", Phan Thanh Hậu từng hoang mang bởi "Không hiểu vì sao tôi lại được chọn", tiếc rằng Thanh Hậu và những người "chăm bẵm" cho cậu lại biến nó thành "cái bóng" quá lớn cho chính mình, thay vì coi nó là bàn đạp tốt để vươn lên. Sai lầm nào cũng phải trả giá, và có lẽ đã quá muộn, ngay khi Thanh Hậu mới chỉ có 23 tuổi, bởi cơ hội như Văn Hậu đang có đã trôi qua mất rồi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét